Sẹo lõm là tình trạng sẹo bị lõm sâu hơn so với bề mặt da. Đây cũng là một loại sẹo xấu gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân, nhất là sẹo lõm ở vùng mặt, sẹo rỗ do mụn trứng cá. Điều trị sẹo lõm, sẹo rỗ vốn đã khó, trị sẹo lõm lâu năm còn khó hơn. Có nhiều phương pháp điều trị sẹo lõm tuỳ theo kích thước, vị trí, hình dáng, mức độ lõm, như phương pháp phẫu thuật tạo hình sửa chữa sẹo lõm, cắt đáy sẹo rỗ, sẹo lõm để giải phóng sẹo lõm kết hợp với tiêm filler hoặc cấy ghép mỡ tự thân, phương pháp laser, lăn kim điều trị sẹo rỗ... Có thể phải phối hợp nhiều phương pháp khác nhau hoặc phải lặp lại các liệu trình điều trị để mang lại kết quả tốt nhất trong việc điều trị sẹo lõm, đặc biệt trong điều trị các loại sẹo rỗ ở vùng mặt do mụn trứng cá gây nên. Trước khi chọn bất kỳ phương pháp điều trị nào, hãy thảo luận về các lựa chọn của bạn với bác sĩ của bạn. |
Sẹo lõm là những vết sẹo lõm sâu dưới bề mặt da với những hình dạng, kích thước khác nhau. Sẹo lõm hình thành khi da không có khả năng tái tạo làm đầy tổ chức tại vùng tổn thương, hoặc do da bị dính vào cấu trúc sâu hơn.
Sẹo rỗ cũng là một hình thái của sẹo lõm, trong đó có rất nhiều sẹo lõm nhỏ, nằm lổ rỗ trên bề mặt da, thường do mụn trứng cá gây nên.
Sẹo lõm, sẹo rỗ gây ảnh hưởng không nhỏ đến vẻ đẹp thẩm mỹ và tâm lý, giao tiếp xã hội của bệnh nhân.
Biểu hiện dưới dạng một rãnh hoặc vùng lõm với độ sâu khác nhau, khi sờ sẹo thường mềm và di động trên tổ chức bên dưới. Có nhiều nguyên nhân gây ra sẹo lõm này, thường do không phục hồi hoặc phục hồi không đúng các tổ chức giải phẩu bên dưới da, hoặc lỗi kỹ thuật khâu lộn mép da vào trong, trong trường hợp da bị chấn thương hoặc vết thương. Ngoài ra có thể là do biến chứng nhiễm trùng, áp xe, liền sẹo kỳ 2, và đôi khi do sự tan hoại tử của lớp mỡ bên dưới.
Về mặt điều trị, phẫu thuật sửa chữa là cần thiết với việc phục hồi tốt các lớp giải phẫu, khâu lộn mép da ra ngoài, hoặc khâu vùi nền sẹo.
Kết quả cũng có thể cải thiện bằng cách bơm tổ chức mỡ dưới sẹo theo kỹ thuật của Coleman.
Sẹo lõm ở mặt sau chấn thương.
Các sẹo lõm này dính vào tổ chức bên dưới như cân, cơ và xương. Sự dính do sẹo này có thể nhìn thấy mọi lúc, hoặc chỉ nhìn thấy với các cử động, hoặc dính dưới da mà không có sẹo.
+ Sẹo dính thường xuyên (sẹo dính tĩnh):
Sẹo cố định vào tổ chức bên dưới, lúc nghỉ ngơi cũng như khi vận động. Điều này là do sự xơ dính của lớp da bị sẹo và các tổ chức sâu hơn.
Sẹo lõm dính vào cân cơ ở bên dưới.
+ Sẹo dính khi vận động (sẹo dính động):
Đôi khi, nhất là ở mặt, xuất hiện những sẹo không bị lõm lúc nghỉ ngơi, nhưng trở nên lõm khi vận động. Điều đó chứng tỏ một sự dính ở sâu, neo giữ da vào lớp cơ.
Phẫu thuật tạo hình sửa chữa bằng kỹ thuật vùi lấp nền sẹo.
Sẹo dính khi vận động nét mặt.
+ Vết lõm hoặc dính mà không có sẹo:
Đôi khi chúng ta cũng nhận thấy, sau một chấn thương kín, một vết lõm mà không có vết thương, chấn thương ban đầu trong khi đụng dập đã gây nên một sự tổn thương một hoặc nhiều tổ chức dưới da (mỡ, cân hoặc cơ). Nó có thể gây nên sự dính giữa da và cơ hoặc xương bên dưới bởi các dải xơ và hình thành nên vết lõm (nặng hơn bởi sự co rút do máu tụ).
Phẫu thuật sửa chữa bao gồm giải phóng sự dính bằng cách cắt đứt sẹo dính xuyên qua da rộng rãi có kết hợp hoặc không bơm mỡ theo kỹ thuật của Coleman.
Sẹo trên mặt có thể do mụn trứng cá để lại. Tình trạng viêm nhiễm da tại thời điểm bị mụn có thể để lại sẹo vĩnh viễn nếu không biết chăm sóc đúng cách như nặn mụn hay vệ sinh không tốt. Những vết sẹo này thường gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ và có nhiều dạng sẹo khác nhau tùy theo tình trạng mô bị tổn thương.
Sẹo do mụn trứng cá có thể có 2 loại:
- Sẹo lõm hay sẹo rỗ (Atrophic Scars)
- Sẹo lồi hoặc phì đại (Keloids and Hypertrophic Scars)
Trong đó, sẹo lõm, sẹo rỗ xuất hiện phổ biến hơn, chiếm từ 80% đến 90% các trường hợp. Các vết sẹo lõm do mụn trứng cá có thể là do các quá trình viêm dẫn đến sự sụt giảm các sợi collagen và mỡ dưới da.
Ngoài ra, các vết sẹo lõm do mụn trứng cá còn có thể được chia thành 3 loại:
+ Sẹo “icepick” loại sẹo có dạng lỗ sâu và hẹp, giống như có vật nhọn đâm mạnh vào da.
+ Sẹo “boxcar” là sẹo lõm đáy sẹo hình đa giác, nông, bờ rõ ràng, loại này rộng hơn so với sẹo “icepick”, xảy ra sau khi bị mụn trứng cá phát triển mạnh và viêm, khiến da bị tổn thương nặng và làm mất collagen trong da.
+ Sẹo hình lượn sóng “rolling” là sẹo có hình dạng uốn lượn như những con sóng, bờ không rõ, do da bị nhiễm trùng nặng, mô dưới da tạo thành các sợi xơ, lớp biểu bì bên ngoài hình thành những đường rãnh dốc tạo ra hình dạng lượn sóng trên da.
Một số hình dáng sẹo lõm điển hình hay gặp do mụn trứng cá trên mặt (rooling, icepick, boxcar).
Đối với các loại sẹo lõm có kích thước lớn, phương pháp phẫu thuật tạo hình sửa chữa sẹo đóng vai trò quan trọng. Bác sĩ có thể sẽ cắt bỏ sẹo, gỡ dính, sử dụng tổ chức mỡ bên cạnh để lấp đầy chỗ lõm, khâu phục hồi các lớp giải phẫu, khâu mép da lộn ra ngoài. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết chuyên sâu của bác sĩ phẫu thuật tạo hình để phục hồi lại tổn thương và đề phòng sẹo lõm tái phát.
Đôi khi, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể phục hồi các lớp ở phía trên và nền sẹo bên dưới có thể được khâu vùi vào trong.
Sẹo lõm ở mặt và 1 năm sau phẫu thuật sửa chữa.
Hai sẹo lõm ở vùng cẳng chân và 1 năm sau phẫu thuật sửa chữa.
Những trường hợp sẹo lõm có kích thước quá lớn, không thể cắt bỏ và khâu đóng trực tiếp, có thể đòi hỏi phải sử dụng đến các vạt da tại chỗ để thay thế cho vùng sẹo sau khi cắt bỏ.
Mục đích của phẫu thuật sửa chữa sẹo nói chung là giúp cho sẹo đẹp nhất có thể, mảnh và phẳng hơn, khó nhận thấy hơn hoặc có thể được che dấu, chứ không bao giờ có thể làm mất sẹo hoàn toàn.
Phương pháp điều trị cắt bỏ sẹo lõm bằng dụng cụ sinh thiết là một phương pháp phổ biến khác để điều trị và loại bỏ các vết sẹo lõm do mụn trứng cá, đặc biệt là sẹo nhỏ và sâu (icepick). Trong thủ thuật này, bác sĩ của bạn sử dụng cụ sinh thiết nhỏ có kích thước của vết sẹo của bạn để cắt bỏ mô sẹo. Sau đó, bác sĩ sẽ đóng vết thương bằng các mũi khâu. Nếu vết sẹo của bạn nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể sẽ lấy một mảnh ghép da nhỏ từ sau tai để lấp đầy vết thương.
Cắt bỏ sẹo lõm bằng dụng cụ sinh thiết.
Bóc tách sẹo cũng là một phương pháp để điều trị các sẹo lõm, sẹo rỗ có kích thước nhỏ. Bác sĩ sẽ dùng mũi kim y khoa hoặc đầu lưỡi dao để đâm xuyên vào vết sẹo, sau đó di chuyển nhẹ nhàng để cắt đứt các dải sẹo xơ dính lớp biểu bì và các tổ chức bên dưới. Khi dải sẹo xơ bị cắt đứt, cấu trúc vết sẹo sẽ bị phá vỡ, giúp nhấc bề mặt da ra khỏi chân sẹo xơ cứng và làm vùng da sẹo dễ dàng đầy lên. Phương pháp này xâm lấn vào da, kích thích quá trình tự lành thương của cơ thể, giúp đưa các yếu tố tăng trưởng đến làm lành vết thương, hình thành mô liên kết mới, giúp vùng da sẹo mịn màng và đầy hơn.
Thông thường, phương pháp bóc tách sẹo có thể kết hợp với cấy mỡ tự thân hoặc tiêm các chất làm đầy vào vùng trũng dưới sẹo sau khi cắt đứt chân sẹo, để có hiệu quả điều trị tốt hơn và phòng ngừa sự lõm tái phát.
Tiêm chất làm đầy mô filler là một phương pháp điều trị phổ biến đặc biệt cho các sẹo lõm hình lượn sóng “rolling” do mụn trứng cá. Chúng được sử dụng để san bằng hoặc nâng cao các vết sẹo lõm để phù hợp với lớp da bình thường. Chất làm đầy được tiêm dưới sẹo và cung cấp kết quả gần như ngay lập tức. Theo thời gian, chất làm đầy mô mềm cải thiện thể tích da và giảm sự xuất hiện sẹo.
Chất làm đầy filler được dùng để làm đầy sẹo thường có thành phần là hyaluronic acid (HA). HA là một chất tự nhiên, tồn tại dưới dạng gel, được tìm thấy trong tất cả các mô của cơ thể như ở da, các khớp xương, sụn...
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong việc điều trị sẹo lõm, sẹo rỗ bằng phương pháp tiêm chất làm đầy, người bệnh cần tìm đến những cơ sở thẩm mỹ uy tín có đầy đủ giấy phép. Trước khi tiêm các chất làm đầy cần phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ, mã vạch sản phẩm, tem mác kiểm định…, để tránh sử dụng phải hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc hiện đang tràn lan trên thị trường.
Laser và ánh sáng xung cường độ cao IPL (Intense Pulsed Light) cũng là một liệu pháp không xâm lấn để điều trị sẹo lõm có kích thước nhỏ (sẹo rỗ). Điều trị vết sẹo bằng laser sử dụng xung ngắn của ánh sáng laser để tiếp cận sâu vào lớp trên của da, tạo các tổn thương vi điểm trên da, kích thích quá trình tăng sinh collagen và tái tạo da, làm đầy sẹo. Ưu điểm của phương pháp điều trị sẹo lõm bằng laser là thời gian thực hiện khá nhanh và đơn giản, có thể thực hiện tại cơ sở ngoại trú tại phòng khám của bác sĩ.
Dựa trên từng loại sẹo mà bác sĩ sẽ quyết định liệu trình cũng như loại laser nào phù hợp.
PRP có tên tiếng Anh là Platelet Rich Plasma, là liệu pháp sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu của chính cơ thể để phục hồi da tổn thương, làm đầy sẹo và trẻ hóa làn da.
Liệu pháp PRP được thực hiện bằng cách lấy một lượng máu nhỏ trong cơ thể sau đó xử lý chúng bằng cách quay ly tâm để tách hồng cầu ra khỏi huyết tương giàu tiểu cầu. Quá trình này giúp thu được lượng tiểu cầu cô đặc gấp 4 lần so với bình thường. Với nồng độ tiểu cầu này, PRP trở thành yếu tố tăng trưởng, giúp kích thích quá trình tái tạo collagen, đẩy nhanh việc làm lành vết thương, lấp đầy sẹo rỗ trên da.
Sau đó bác sĩ sẽ tạo vết thương trên bề mặt da sẹo bằng phương pháp laser hoặc lăn kim (thiết bị lăn kim với 150-500 mũi vi kim siêu nhỏ, để tạo những lỗ li ti trên bề mặt da), rồi thoa trực tiếp PRP lên vết thương. Các vết thương sẽ là đường dẫn, giúp PRP thấm sâu vào trong da và kích thích sự phát triển, tăng sinh của collagen và elastin, tăng cường độ dày của da, làm đầy sẹo.
Ngoài tác dụng trị sẹo lõm, lăn kim PRP còn có tác dụng: phục hồi da khô, da nhão, rối loạn sắc tố, xóa các nếp nhăn li ti, cải thiện các dấu hiệu lão hóa…
Trị liệu bằng kim lăn (microneedling) là phương pháp chọc thủng da để tái tạo một lớp da khỏe mạnh hơn. Phương pháp này liên quan đến việc lăn một nhóm kim trên da của bạn theo nhiều hướng khác nhau. Những chiếc kim này tạo ra hàng trăm vết thủng trên da của bạn và khiến collagen mới hình thành, từ đó cũng giúp các sẹo lõm sẽ dần đầy lên, lỗ chân lông được thu nhỏ lại.
Trị liệu sẹo rỗ bằng phương pháp lăn kim.
Phương pháp trị liệu này kích hoạt làn da của bạn để tái tạo và tăng collagen, một loại protein cần thiết để duy trì độ đàn hồi và sức khỏe của da.
Lột da bằng hóa chất là một phương pháp điều trị phổ biến. Quá trình lột da liên quan đến việc phá hủy lớp da bị tổn thương bằng cách bôi hóa chất lên bề mặt của nó. Các dung dịch hóa học làm cho làn da của bạn bong tróc, tạo ra một lớp tươi mới bên dưới.
Sự tái sinh này làm cải thiện hình ảnh của các vết sẹo lõm. Có thể mất vài ngày đến vài tuần để thấy sự cải thiện. Trong một số trường hợp, làn da của bạn đòi hỏi thời gian đáng kể để lành lặn trở lại.
Các chất hóa học khác nhau được sử dụng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết sẹo của bạn. Chúng bao gồm từ các hóa chất nhẹ được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da hàng ngày - chẳng hạn như axit glycolic - đến các hóa chất được sử dụng trong lột da sâu hơn - chẳng hạn như phenol - cần dùng thuốc an thần trước khi bôi lên da.
Ở các nước nhiệt đới, việc sử dụng các chất lột da cần thận trọng vì có nguy cơ làm tăng sắc tố da.
Tóm lại
Điều trị sẹo lõm, sẹo rỗ có thể làm giảm sự xuất hiện của các vết sẹo lõm trên da của bạn và loại bỏ cảm giác bất an, giúp bạn cảm thấy thỏa mái và tự tin hơn khi giao tiếp. Điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng không có phương pháp nào để điều trị nhanh chóng tất cả các loại sẹo lõm, sẹo rỗ.
Mỗi phương pháp điều trị đều đi kèm với rủi ro riêng của nó. Một số phương pháp điều trị có thể để lại cho bạn vết sẹo mới hoặc có thể không loại bỏ hoàn toàn vết sẹo ban đầu. Một số phương pháp điều trị khác có thể cần phải được lặp đi lặp lại nhiều lần để mang lại kết quả tốt nhất. Trước khi chọn bất kỳ phương pháp điều trị nào, hãy thảo luận cẩn thận về các lựa chọn với bác sĩ của bạn.