Sụp mí mắt bẩm sinh là sự sa xuống thấp của bờ tự do mi trên, xuất hiện từ lúc sinh, làm cho đôi mắt trông u buồn, mệt mỏi, kém thẩm mỹ và có thể ảnh hưởng đến thị lực giảm tầm nhìn của đôi mắt. Điều trị sụp mi bẩm sinh thông thường là phẫu thuật. Sụp mi mắt nhẹ hoặc vừa ở trẻ em thường không cần phẫu thuật sớm, nhưng sụp mi nặng đòi hỏi phẫu thuật sớm để ngăn ngừa chứng giảm thị lực. Có nhiều kỹ thuật khác nhau để chữa sụp mí mắt bẩm sinh, tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của tình trạng sụp mi và biên độ hoạt động của cơ nâng mi. |
Sụp mi mắt (eyelid ptosis, blepharoptosis) là một tình trạng bệnh lý biểu hiện bằng sự sa xuống thấp của bờ tự do mi trên. Bình thường bờ tự do của mi trên nằm dưới rìa giác mạc khoảng 1-2 mm. Nếu bờ mi di chuyển xuống dưới, nó có thể che phủ một phần của đồng tử và ngăn chặn tầm nhìn phía trên và gây ra sự mệt mỏi. Trong trường hợp sụp mi nặng, để nhìn tốt bệnh nhân phải ngữa đầu ra sau, hoặc nâng mi mắt lên bằng một ngón tay. Đây là những vấn đề chức năng. Sụp mi nhẹ có thể chỉ gây ảnh hưởng thẩm mỹ.
Do những ảnh hưởng chức năng và thẩm mỹ, việc điều trị sửa chữa sụp mí mắt bẩm sinh cho trẻ là cần thiết.
Sụp mi mắt bẩm sinh hiện diện từ khi sinh thường là do sự kém phát triển của cơ nâng mi mắt (levator muscle). Sụp mi mắt bẩm sinh có thể gặp ở một bên hoặc hai bên, có thể sụp mi đơn thuần, hoặc kết hợp với rối loạn các cơ vận nhãn hoặc trong các hội chứng như hội chứng hẹp khe mi (sụp mi hai bên, thiếu da mi, nếp da góc mắt trong, hai góc mắt xa nhau…), hội chứng Marcus Gunn…
Hình ảnh sụp mi mắt bẩm sinh bên phải.
Vấn đề nghiêm trọng nhất trong sụp mi mắt bẩm sinh ở trẻ em là chứng giảm thị lực (nhược thị) do sự che khuất tầm nhìn bởi sự sụp mi này.
Chứng giảm thị lực là tình trạng sức nhìn kém ở một mắt khỏe mạnh do thất bại trong việc phát triển thị lực (dẫn truyền thần kinh thị giác) bình thường trong những năm đầu của cuộc sống.
Sụp mi cũng có thể gây ra tư thế đầu bất thường với đầu nghiêng về phía sau. Điều này có thể gây ra vấn đề ở cổ hoặc có thể cản trở sự phát triển vận động bình thường của trẻ.
Bệnh nhân nên được khám xét để đảm bảo rằng chứng giảm thị lực không do bất kỳ vấn đề khác về mắt ví dụ như chứng lác mắt, loạn thị...
Việc điều trị sụp mi bẩm sinh thông thường là phẫu thuật.
Sụp mi mắt nhẹ hoặc vừa ở trẻ em thường không cần phẫu thuật sớm, nhưng sụp mi nặng đòi hỏi phẫu thuật sớm để ngăn ngừa chứng giảm thị lực (amblyopia).
Trong khi phẫu thuật, thông thường cơ nâng mi được thắt chặt lại bằng cách khâu gấp hoặc thu ngắn cơ nâng mi.
Phẫu thuật điều trị sụp mi bẩm sinh có thể kết hợp với tạo mắt hai mí.
Hình ảnh trước và 1 tuần sau phẫu thuật điều trị sụp mi mắt bẩm sinh bên phải bằng kỹ thuật thu ngắn cơ nâng mi.
Trong sụp mi mắt nghiêm trọng khi cơ nâng mi rất yếu, mi mắt có thể được treo lên phía cung mày để nhờ các cơ trán làm nâng mi mắt (thủ thuật treo mi vào cơ trán).
Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng một mũi khâu bằng nylon (hoặc polypropylene), Silastic, Goretex, hoặc cân đùi (fascia lata); một tấm gân rộng ở mặt ngoài của đùi, thông qua một đường rạch nhỏ ngay phía trên đầu gối.
Sụp mi mắt bẩm sinh bên phải với chức năng cơ nâng mi yếu (A). Hình ảnh 1 tháng sau phẫu thuật treo mi lên cơ trán (B).
Các loại phẫu thuật này thông thường được tiến hành tại bệnh viện dưới gây mê toàn thân.
>>> Xem thêm: Chữa sụp mí mắt người lớn
Cũng như mọi loại phẫu thuật khác, phẫu thuật điều trị sụp mi bẩm sinh cũng có thể xảy ra một số biến chứng như tụ máu, nhiễm trùng, mí mắt không cân xứng, bờ mi không đều, trợn mi, sụp mi tái phát...
Để giảm thiểu các nguy cơ biến chứng của phẫu thuật sửa chữa sụp mi mắt bẩm sinh, bạn nên chọn lựa một bác sĩ uy tín và trách nhiệm, có kinh nghiệm về loại phẫu thuật này ở một sơ sở thẩm mỹ được cấp phép.